Thursday, August 30, 2007

Cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam, người ở đâu?

Gần đây, tại buổi hội thảo do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam và Microsoft tổ chức tại Khách sạn Melia Hà Nội 16/08/2007, giới thiệu về chuẩn ECMA-376 Office Open XML và Quy trình chuẩn hóa ISO/IEC DIS 29500, có rất nhiều đại biểu ủng hộ Linux và OpenSource nhiệt thành, với các ý kiến theo chiều hướng chỉ có ODF mới là duy nhất chuẩn mở, tự do, chống độc quyền. Nhân danh sự tự do, mở, chia sẻ và tất nhiên là sự sáng tạo để cản trở một sáng tạo khác, nhân danh tính mở, tính cộng đồng để cản trở sự hòa nhập... hình như có gì mâu thuẫn ở đây?

Các đại biểu hầu hết là những người đã lâu năm làm việc với Linux và phần mềm mã nguồn mở, cũng như tác giả của những bài viết này,... dễ đến 10 năm có lẻ. Nhưng khi nghe các đại biểu phát biểu, có cảm giác dường như ai cũng có thể làm đại diện cho cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam. Đại loại như: "... không có lợi cho cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam..." rồi "... chấp nhận OOXML là chuẩn ISO là nguy cơ tiềm ẩn cho cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam..." v.v... không được lọt tai lắm.

Có câu nói: "Danh có chính, thì ngôn mới thuận". Tiếc thay, chẳng có đại biểu nào đứng lên phát biểu: "Tôi... là đại diện của cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam"

Tò mò tôi thử đi tìm với cụm từ "cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam", may quá tôi tìm được mấy sites:

http://vi.wikipedia.org/wiki/Phần_mềm_nguồn_mở
http://vnoss.org/ - Diễn đàn phần mềm mã nguồn mở Việt Nam

http://www.oss.gov.vn/ - Ban Chỉ đạo Phần mềm Nguồn mở Quốc gia Việt Nam

http://www.vnlinux.org - Cộng đồng sử dụng mã nguồn mở


Bạn hãy thử tìm cụm từ ODF, Open XML, OOXML từ các site này xem. Bạn hãy đoán xem, kết quả tìm kiếm như thế nào? Ngạc nhiên chưa?

Trang duy nhất có thông tin về ODF và OOXML là trang http://www.vnoss.org với 3 kết quả

Và thread dài nhất cũng chỉ có 3 người tham gia http://forum.vnoss.org/viewtopic.php?id=5112&action=new

Vậy cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam ở đâu? Cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam có thật sự quan tâm đến ODF và OOXML không? Và những người phát biểu "... vì lợi ích cộng đồng mã nguồn mở..." nhân danh ai? Hay đây cũng chỉ là một chiêu quảng bá cho công ty của đại biểu đó. Xin phép không được bàn về mục tiêu của việc mượn gió bẻ măng đó, vì cộng đồng hay vì mục đích riêng?

4 comments:

Minh Nguyễn said...

Wikipedia tiếng Việt thực sự chưa có nhiều thông tin về phần nhiều của những định dạng phổ biến nhất, chẳng hạn các bài về PDF, MP3, và Flash chỉ có một vài câu, trong khi bài về ZIP không tồn tại. (Trong quá trình viết vài câu về OOXML, tôi mò đến blog của bạn.) Xin đừng nghĩ là Wikipedia chỉ im miệng về OOXML vì không thích Microsoft: chúng tôi có một loạt bài về Microsoft, bao gồm một bài về bách khoa toàn thư Encarta.

Đối với OOXML, tôi nghĩ là cộng đồng mã nguồn mở nhìn chung không quan tâm đến nó nhiều vì họ nghi ngờ những mối quan hệ với Microsoft. Microsoft đã ủng hộ và quảng cáo định dạng này mạnh mẽ, và việc đó đuổi nhiều người sang bên kia.

Nhưng đó không giải thích tại sao cộng đồng OSS cũng không quan tâm đến ODF nhiều. Có thể là phần nhiều dự án mã nguồn mở sử dụng các công nghệ Web (HTML chẳng hạn) đến độ mà không cần các định dạng tài liệu như ODF, OOXML, PDF... Nếu những lập trình viên không sử dụng định dạng tài liệu thường xuyên, chắc họ không thèm nghĩ đến việc cải tiến nó.

Nguyen Kien Cuong said...

Cảm ơn bạn Minh Nguyen đã có góp ý. Điều làm tôi thất vọng không phải sự chống đối Microsoft mà là mục đích của sự chống đối gần như cuồng tín. Nhân danh ủng hộ tự do, chống độc quyền, để chống lại một ý định tốt của Microsoft cung cấp cho cộng đồng mã nguồn mở một định dạng mở dựa trên XML, để có thể chuyển tải tương thích các tệp tài liệu sẵn có được tạo ra bằng Microsoft Office, đi ngược lại lợi ích của số rất đông người sử dung Microsoft Office ở Việt Nam và hàng trăm nghìn tài liệu được soạn thảo bẳng Microsoft Office.

Ngay cả cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam cũng chưa bao giờ phổ biến ngôn ngữ ODF như một ngôn ngữ trao đổi dữ liệu, chưa bao giờ nhắc đến vấn đề tương thích. Bằng chứng cho sự tương thích họ đưa ra chỉ là OpenOffice mở được các tệp dạng binary Microsoft Office, dù thừa biết khuôn dạng binary này vẫn không được mở và gây không ít khó khăn cho việc phát triển các ứng dụng trao đổi dữ liệu.

Việc các nhà kỹ nghệ phần mềm của Việt Nam phải quan tâm đến định dạng dựa trên XML chỉ là vấn đề thời gian, khi XML sẽ trở thành ngôn ngữ dữ liệu phổ biến nhất.

Tôi đồng ý là không phải ai cũng ưa thích Microsoft, nhưng phương châm “kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn của ta” không phải là lựa chọn khôn ngoan. Việc những người ủng hộ mã nguồn mở Việt Nam chống lại Microsoft trong việc thông qua chuẩn ISO cho định dạng OOXML vô tình đặt nước ta vào bên thiểu số, đứng ngoài những nỗ lực toàn cầu về chuẩn hóa dữ liệu, đồng thời phủ nhận tất cả các thiện chí của Microsoft. Nếu tôi không nhầm thì Microsoft là công ty phần mềm duy nhất trên thế giới phát hành các sản phẩm hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt qua các phiên bản Windows 95 tiếng Việt, Bản hỗ trợ tiếng Việt cho Office 2003, Bản Windows XP Starter Edition tiếng Việt… Ở đây chúng ta chỉ bàn đến kỹ thuật nên tôi xin phép không nhắc đến các nỗ lực ủng hộ Việt Nam của Microsoft qua các chương trình hợp tác cấp chính phủ, các chương trình hỗ trợ hệ thống giáo dục tại Việt Nam v.v...

Huy said...

Bạn Nguyen Kien Cuong ơi. Tôi đọc comment của bạn mà tức cười quá.

"đi ngược lại lợi ích của số rất đông người sử dung Microsoft Office ở Việt Nam và hàng trăm nghìn tài liệu được soạn thảo bẳng Microsoft Office."

Vâng, con số rất đông đó mua MS Office ở đường Bùi Thị Xuân với giá 8000 VND.
Theo tôi quan trọng là sử dụng cái gì thì phù hợp với điều kiện của Việt Nam ta ? Cái này thì bạn tự có câu trả lời, câu trả lời của *lương tâm* bạn.

Còn chuyện "cộng đồng mã nguồn mở VN". Thật sự tôi là người ủng hộ free và opensource software, nhưng tôi không quan tâm nhiều lắm đến cái đó. Phần lớn họ hoạt động trong các cộng đồng trên thế giới.

"Cộng đồng mã nguồn mở" không hề tồn tại như một đám buôn chuyện. Họ ngồi lại với nhau để làm một cái gì đó. Nếu không có gì để làm, chẳng thấy họ đâu cả.

Một người hoạt động "10 năm" như bạn chẳng lẽ không hiểu chuyện đó ?
À, có lẽ bạn dính dáng đến MS !

"Nhân danh ủng hộ tự do, chống độc quyền, để chống lại một ý định tốt của Microsoft cung cấp cho cộng đồng mã nguồn mở một định dạng mở dựa trên XML"

Có lẽ không còn phải nói gì về đoạn này ! MS vô tư đến thế ư ? :D ! Nếu họ muốn đóng góp OOXML cho cộng đồng, hãy mở quy trình phát triển OOXML ra !

Nguyen Kien Cuong said...

Thưa bạn Huy,

Số đông những người đó cần phải kể đến những khách hàng mua bản quyền MS Office của Microsoft như công ty FPT, Vietcombank, BIDV, Bảo Việt v.v… và gần đây nhất là chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận đồng ý mua cho tất cả các cơ quan chính phủ Việt Nam.

Có thể có một số lớn hơn rất nhiều đang dùng phần mềm 8,000 mua ở Bùi Thị Xuân. Steve Ballmer cũng đã từng phát biểu (đại ý) "nếu người dùng vẫn ưa thích dùng phần mềm crack thì hãy để cho họ crack phần mềm của Microsoft".

Cá nhân tôi đánh giá việc quyết định mua phần mềm có bản quyền (MS Office) của Microsoft cho các cơ quan chính phủ là một bước đi khôn ngoan. Vì đó là cách nhanh nhất để sửa lại hình ảnh của Việt Nam sau WTO về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ. Rất có thể cùng với thời gian (chưa ai biết là bao nhiêu lâu) chúng ta sẽ dần tiết kiệm số tiền bỏ ra để mua phần mềm bằng việc dùng thay thế các phần mềm miễn phí, hoặc ép Microsoft phải hạ giá như Trung Quốc đã làm.

Sử dụng cái gì thì phù hợp cho Việt Nam? Có thể có rất nhiều quan điểm trả lời cho câu hỏi này. Hiện nay câu hỏi về giá thành tổng chi phí khi sử dụng phần mềm thương mại và phần mềm tự do vẫn chưa có lời đáp. Nhưng nếu chúng ta xem khoản tiền đầu tư cho phần mềm thương mại như một chi phí hợp lý, đem lại những lợi ích như giảm chi phí đào tạo, cài đặt, hỗ trợ, tính năng sử dụng tốt v.v… trong việc điều phối ngân sách cho đầu tư về công nghệ thông tin.

Nếu theo dõi tin tức về CNTT bạn sẽ thấy mô hình kinh doanh CNTT, nhất là phần mềm đã thay đổi rất nhiều. Ngày nay, việc bán phần mềm đóng gói theo cách cổ điển đã dần trở nên lỗi thời và Microsoft cũng đang phải tự thay đổi để phù hợp và tồn tại.

Nếu câu chuyện về chuẩn định dạng file office đưa ra cách đây vài năm, thì nhiều người sẽ cho là không thực tế. Nhưng ngày nay, tính tương hợp trên nền tảng tính toán Internet đòi hỏi đó là một cách duy nhất để phần mềm được chấp nhận và phát triển.

Tôi xin nhắc lại ý tôi đã nói: "Cộng đồng mã nguồn mở" nhân danh ủng hộ tự do, chống độc quyền, để chống lại sự phát triển sáng tạo, tiêu diệt cạnh tranh và hạn chế sự lựa chọn.

Thưa với bạn Huy là đặc tả OOXML khi đã được công bố công khai và được ủng hộ và tiếp tục phát triển bởi các nhà phát triển khác kể cả phần mềm thương mại và mã nguồn mở, thì bản thân quy trình phát triển OOXML đã là mở rồi. Khi đã trở thành chuẩn (hiện nay là ECMA-376 và đang được vận động để thông qua ISO/IEC 29500) đó không còn là một đặc tả đóng nữa. Các nhà phát triển sẽ dựa trên đặc tả được công bố để viết các ứng dụng hỗ trợ OOXML.

Rất cảm ơn bạn Huy đã có comment, nhưng hình như bạn vẫn chỉ dựa trên cảm tính mà chưa có đầy đủ thông tin khách quan. Xin giới thiệu với bạn một blog về những thông tin sai lệch về Open XML http://ooxmlhoaxes.blogspot.com/